Hội thảo “Tạo ấn tượng với nhà tuyển dụng” cho sinh viên Khoa đào tạo quốc tế (23.01.2014)
 

Bên cạnh việc duy trì và nâng cao chất lượng hoạt động giảng dạy học tập, Khoa Đào tạo quốc tế, Đại học Duy Tân luôn quan tâm đến việc chuẩn bị cho sinh viên những kỹ năng, kinh nghiệm làm hành trang vào đời. Trong loạt hoạt động ngoại khóa nhằm mang đến cơ hội tiếp xúc với doanh nghiệp, Khoa Đào tạo quốc tế đã tổ chức buổi hội thảo “Tạo ấn tượng với nhà tuyển dụng” do Bà Đỗ Thị Mai, phụ trách nhân sự khu vực miền Trung Tây Nguyên, công ty Thế giới di động trình bày.

Suốt buổi hội thảo, sinh viên ngành Quản trị kinh doanh, Tài chính ngân hàng, Kế toán chuẩn PSU đã lắng nghe những chia xẻ đầy tính thực tế, hữu ích để chuẩn bị cho việc ứng tuyển vào các doanh nghiệp trong thời buổi cạnh tranh khốc liệt này. Các nội dung xoay quanh chủ đề về yêu cầu của bộ hồ sơ xin việc, những điều cần nhớ khi đi phỏng vấn, cách thức nhấn mạnh thông tin về cá nhân khi phỏng vấn.v.v. Chuẩn bị một bộ hồ sơ đúng yêu cầu là điều kiện cần, song điều kiện đủ để bộ phận xét duyệt hồ sơ đưa đến cơ hội mời phỏng vấn tuyển dụng chính là việc tạo ấn tượng trong thư xin việc và sơ yếu lý lịch. Khi tiếp xúc, nhà tuyển dụng đánh giá ứng viên qua mô hình AKS, đó chính là “thái độ - attitude”, “kiến thức – knowledge” và “kỹ năng – skill”. Trong các tiêu chí đánh giá này, tiêu chí về kiến thức và kỹ năng, ứng viên dễ dàng chứng minh với nhà tuyển dụng thông qua việc trình bày những hiểu biết của mình một cách rõ ràng. Tuy nhiên, ứng viên thường bị mất điểm tiêu chí về “thái độ” mà ứng viên không hiểu vì sao. Tiêu chí “thái độ” thường được đánh giá thông qua sự quan sát về phong thái, dáng đi, cách ngồi, chào hỏi, kiểu cười, kiểu trang điểm, cách mang trang sức.v.v. Bà Mai đưa những ví dụ nhỏ nhưng rất thực như cách ngồi dựa lưng vào thành ghế, ngửa người ra sau hoặc xoay ghế qua về khi ngồi trước mặt nhà tuyển dụng thì thường bị mất điểm ngay lập tức.

Chủ đề khác được thảo luận không kém phần hấp dẫn chính là việc hướng dẫn sinh viên cách thức trả lời câu hỏi của nhà tuyển dụng theo mô hình STAR (situation – task – action – result), tình huống - nhiệm vụ - hành động - kết quả. Điều tối kỵ là chỉ trả lời có hoặc không mà không giải thích hoặc đưa ra hướng xử lý. Trên kinh nghiệm của mình, bà Mai đã chỉ cho sinh viên các câu hỏi kinh điển, câu hỏi mang tính tùy hứng để có thể mở rộng cơ hội khác cho ứng viên, câu hỏi mang tính đánh giá điểm mạnh điểm yếu của cá nhân liên quan đến công việc cũng như khẳng định rằng nhà tuyển dụng biết khi nào ứng viên đang dùng kỹ thuật trả lời và đưa ra lời khuyên với sinh viên “đừng nên né tránh câu trả lời”.

Đây là những bài học thật bổ ích cho các bạn sinh viên sắp sửa bước vào đời.

Giang Thiên - Linh Lan

4.0
Các tin tức đã đăng:
   Giảng viên DTU sang Mỹ tập huấn (04.08.2012)
   Giảng viên PSU và DTU cùng tham quan thực tế tại Nam Hai Resort (04.08.2012)
   Giảng viên Hoa Kỳ giảng dạy tại Duy Tân (04.08.2012)
   Đại học nội với chiến lược 'đứng trên vai người khổng lồ' (09.04.2012)